Những ứng dụng của Đồng sunphat trong cuộc sống
http://www.vietnamchemtech.com.vn/chitietTT.asp?cate_id=4&news_id=759
Đồng sunfat có công thức hóa học là CuSO4.5 H2O, đôi khi còn gọi là đá xanh, được sử dụng để kiểm soát tảo và tảo sợi thân lớn. Liều lượng đồng sunfat dùng để diệt các loài thực vật khác có thể gây độc đối với cá và các loài thủy động vật khác. Đồng cũng là nguyên tố vi lượng cần cho thực vật phát triển. Tiếp xúc với liều lượng đồng cao sẽ ức chế thực vật phát triển hoặc giết chết thực vật do ức chế phá hủy chức năng của tế bào đảm nhận các quá trình quang hợp, hô hấp, tổng hợp chlorophyll và phân chia tế bào của thực vật.
Liều lượng Cu khuyến cáo sử dụng để kiểm soát tảo nằm trong một khoảng khá rộng, từ 0.06 mg/l Cu (0.25 mg/l theo CuSO4.5 H2O) đến trên 0.5 mg/l Cu (2 mg/l CuSO4.5 H2O), phụ thuộc vào loại tảo và các yếu tố tồn tại trong nước tại thời điểm tiến hành. Tảo lam dễ bị tác động bởi đồng hơn tảo lục và tảo cát là kết quả của một số nghiên cứu, tuy vậy nếu tổng quát hóa kết luận trên thì cần phải hết sức thận trọng vì từng loại trong một họ tảo có tính chịu đựng khác nhau.
Các yếu tố môi trường có ảnh hưởng lớn đến độc tính của đồng đối với động, thực vật. Ion đồng Cu2+ tự do là yếu tố gây độc chính đối với cả tảo và thủy động vật và vì vậy các yếu tố ảnh hưởng tới nồng độ ion đồng tự do trong nước cũng như các yếu tố tương tác theo một phương thức nào đó đối với ion đồng đều ảnh hưởng đến độc tính của đồng. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến độc tố của đồng gồm pH, độ kiềm, độ cứng, các chất hữu cơ tan và không tan trong nước. Nhìn chung nếu các thành phần trên có hàm lượng cao thì độc tính của đồng đối với tảo và thủy động vật giảm.
Sử dụng Đồng sunfat làm chất diệt cỏ luôn kèm theo một số nguy cơ: các yếu tố môi trường hạn chế tác dụng diệt cỏ của đồng sunfat hoặc làm tăng tính độc đối với đối tượng không cần xử lí (tôm, cá), tức là phát huy độc tính không đúng chỗ.
Trong tài liệu khuyến cáo hay hướng dẫn sử dụng, các nhà sản xuất biết rõ các yếu tố ảnh hưởng đến độc tính của đồng sunfat, nhưng những chỉ dẫn thường không cụ thể, ví dụ với những lời cảnh báo như: độc tính đối với cá tăng khi nước mềm hoặc cần dùng liều lượng lớn để diệt tảo khi nước cứng.
Để khắc phục ở chừng mực nào đó,người ta đưa ra một công thức tính liều lượng đồng sunfat phụ thuộc vào độ kiềm của nước.
CuSO4.5 H2O (mg/l) = độ kiềm tổng (mg/l CaCO3)/100
Công thức trên chỉ đề cập đến duy nhất yếu tố kiềm, không quan tâm được đến các yếu tố như độ cứng, chất hữu cơ, vì vậy giá trị ứng dụng cũng hạn chế.
Sau khi xử lí, đồng tan trong nước sẽ giảm nhanh và lắng xuống đáy theo các phương thức sau: lắng dưới dạng oxit hay hydroxit không tan, bám (hấp thụ) trên các hạt sét, mảnh hữu cơ và cùng lắng, bị hấp thu trong cơ thể thực vật, vi sinh và lắng khi chúng chết, bị bùn hấp phụ trực tiếp.
Ví dụ khi bón với liều lượng 4 kg/ha cho ao nuôi người ta xác định được: 95% hòa tan ở lớp nước không sâu quá 1m75, phần lớn đồng biến mất sau 1h , nồng độ đồng trở về trạng thái ban đầu (chưa xử lí) trong thời gian 24h.
Bón đồng sunfat cho ao nuôi có thể thực hiện như sau: cần một lượng đồng sunfat khô cần thiết cho túi vào túi vải thô, buộc vào đuôi thuyền, thuyền chạy kéo theo túi, đồng sunfat sẽ hòa tan vào nước. Cũng có thể tiến hành theo cách khác: cho hóa chất vào các túi nhỏ, thả nổi trên mặt nước, hóa chất tan dần trong nước. Trừ trường hợp có sóng mạnh hay dòng chảy lớn, phương pháp này tỏ ra không chắc chắn răng liệu hóa chất có được phân tán đều hay không, hay là quá cao ở khu vực xung quanh túi chứa.
Thao tác thực hiện khác là hòa tan đồng sunfat vào nước rồi phun lên mặt nước.Với mục tiêu diệt các thảm cỏ dại ở đáy ao hoặc các thảm tảo sợi thân lớn ở lớp đáy có thể bón thẳng đồng sunfat dạng khô vào nước, các hạt sẽ lắng xuống đáy, tan dần và phát huy tác dụng diệt cỏ dại. Phương pháp sử dụng hóa chất khô sẽ ít hiệu quả với mục tiêu là diệt tảo.
Nguồn: Nước Nuôi Thủy Sản- Chất Lượng & Giải Pháp Cải Thiện Chất Lượng (NXB KH&KT, 2006)
Trong nông nghiệp
Copper Sulfate nguyên chất hay Sulfat đồng, bà con nông dân thường gọi phèn xanh có phản ứng acid (chua) nên khi sử dụng riêng để phòng trừ bệnh cho cây trồng thường dễ gây hại cho cây trồng (cháy lá, hại cho hoa). Vì vậy không nên dùng riêng để phun mà hổn hợp với vôi thành thuốc có tên gọi là bordeaux (Boóc-đô) cách pha tham khảo tại trang web http://www.skhcn.vinhlong.gov.vn như sau:
Nguyên liệu để pha chế nước thuốc Boóc-đô là Ca(OH)2 (vôi sống hay còn gọi là vôi tươi) và CuSO4 (sulfat đồng) là những thứ rất dễ kiếm. Khi pha dung dịch sulfat đồng với nước vôi sẽ cho ra nước thuốc Boóc-đô có màu xanh da trời, không mùi. Nước thuốc này tương đối ít độc đối với người, động vật, cây trồng.
Nước thuốc Boóc-đô có thể được pha chế theo nhiều nồng độ và nhiều phương pháp khác nhau. Tuỳ theo liều lượng, cách pha chế mà nước thuốc Boóc-đô có màu sắc và phẩm chất khác nhau.
Nồng độ thông dụng nhất là nước thuốc Boóc-đô 1:1:100 (nước thuốc Boóc-đô 1%). Với nồng độ này, phương pháp pha chế tốt nhất là như sau: giả sử muốn pha 10 lít nước thuốc thì lấy 100gram sulfat đồng hoà tan với 8 lít nước sạch trong một xô nhựa hay lu, vại sành...(không dùng đồ chúa bằng sắt, tôn do dễ bị thuốc ăn mòn làm thủng). Tiếp đó lấy 100 gram vôi sống hoà tan trong 2 lít nước trong một xô nhựa hay lu, vại sành khác (nếu là vôi đã tôi thì dùng khoảng 130 gram).
Sau khi đã có dung dịch sulfat đồng và nước vôi thì đổ từ từ dung dịch sulfat đồng vào nước vôi, vừa đổ vừa khuấy đều tay. Chú ý phải làm tuần tự như trên, không được đổ ngược lại (tức là không được đổ dung dịch nước vôi vào dung dịch sulfat đồng).
Sau khi pha chế lấy một cây đinh khoảng 5 phân còn mới hoặc đã được mài bóng (củng có thể lấy một con dao mỏng bằng sắt mài sáng ở mũi) nhúng vào nước thuốc vừa pha khoảng một phút. Rút đinh (hoặc mũi dao) ra, nếu thấy có một lớp màu gạch cua bao phủ ở trên đinh, để ra ngoài không khí một lát, nếu lớp đó chuyển sang màu đen thì như vậy nước thuốc còn chua dễ gây hại cho cây trồng, gặp trường hợp này cần thêm nước vôi từ từ cho đến khi nào thử lại cây đinh (hoặc mũi dao) không thấy hiện tượng bị đen như trên thì đạt yêu cầu.